Lịch sử Truyền hình ở Việt Nam

Giai đoạn 1965–1975

Tại miền Nam

Truyền hình được giới thiệu lần đầu vào tháng 10 năm 1959 tại miền Nam Việt Nam trong một hội chợ triển lãm ở Sài Gòn. Trong chương trình thử nghiệm này, các nghệ sĩ ngồi trong phòng thu hình vi âm quân đội, khán giả được theo dõi qua hai màn ảnh đặt tại trung tâm triển lãm từ 19:30 đến 20:30 mỗi ngày. Tuần báo Điện ảnh ra tháng 11 năm 1959 cho rằng: “Một khi đài vô tuyến truyền hình được thành lập, chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người bỏ tiền ra mua máy để hằng ngày được theo dõi, đón coi những chương trình của vô tuyến truyền hình.”[8][9]

Năm 1965, Đài Truyền hình Sài Gòn (THVN), đài truyền hình đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Ngày 22 tháng 1 năm 1966, chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng, và sau đó chính thức phát sóng tại miền Nam vào ngày 7 tháng 2 cùng năm. Đài phát hình đen trắng với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình hệ FCC, điều tần tiếng 4,5 MHz.

Trong thời gian đầu, do chưa có tháp truyền hình nên việc phát sóng được thực hiện bằng kỹ thuật stratovision (dùng trực thăng để phát sóng). Các chương trình, kể cả tin tức, đều được thu vào băng từ rồi được chuyển lên máy bay Super Constellation bốn động cơ. Mỗi tối, máy bay này chở trang thiết bị rời sân bay Tân Sơn Nhất tới độ cao ổn định 3.150 m tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km, rồi từ đó bay theo một lộ trình không đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/h. Sóng truyền hình từ trực thăng có thể thu được ở những nơi xa Sài Gòn như Đà Nẵng, Cà Mau hoặc Phnom Penh, nhưng chỉ Sài Gòn và các tỉnh lân cận mới có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt nhất.

Tập tin:AFVN and VN Television Stations.jpgTrụ sở Đài Truyền hình Quân đội Mỹ tại Việt Nam (AFVN) và Đài Truyền hình Việt Nam Cộng hoà nằm ở góc Hồng Thập Tự - Cường Đế, Sài Gòn.

Cùng lúc với việc thiết lập THVN, hệ thống phát thanh - truyền hình của Quân đội Mỹ, lúc đó đang chiếm đóng tại miền Nam Việt Nam, cũng hình thành. Đài này lúc đầu gọi là AFRTS (American Forces Radio and Television Service), đến năm 1967 đổi thành AFVN (American Forces Vietnam Network). Đài phát bằng tiếng Anh trên băng tần số 11, đối tượng phục vụ chính là binh lính Mỹ đang làm việc tại miền Nam.[10]

Sau đó, AFVN tiến hành xây dựng tháp truyền hình tại số 9 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), cũng là trụ sở chính của đài. Ngày 25 tháng 10 năm 1966, tháp truyền hình đầu tiên của Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thay thế cho việc phát sóng bằng máy bay trực thăng trước đó. Tháp cao 128m, là nơi đặt anten phát sóng Kênh 9 (FCC) 25 kW của THVN (được gọi là THVN9 từ đó), Kênh 11 và FM 99.9 MHz của AFVN.

Ngoài Đài phát chính ở Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha TrangCần Thơ.

Đến năm 1972, Truyền hình Đắc Lộ được thành lập, đây là một hãng truyền hình tư nhân thuộc Giáo hội Công giáo VNCH, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành. Truyền hình Đắc Lộ không có kênh phát sóng riêng mà chỉ sản xuất các chương trình khoa giáo để phát sóng trên THVN9, tập trung vào nội dung giáo dục, phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt là những người nghèo.

Tại miền Bắc

Trong khi phạm vi truyền hình của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ở phía Nam ngày một đươc tăng cường, truyền hình hoàn toàn chưa xuất hiện tại miền Bắc. Theo lời kể của nhà báo Hoàng Tùng, vào những năm 1960, mỗi lần đi công tác nước ngoài, được xem truyền hình của các nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng ngành truyền hình. Thực hiện ý tưởng đó, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình Việt Nam đã được thành lập tháng 1 năm 1968, trực thuộc Tổng cục Thông tin, có nhiệm vụ sản xuất phim vô tuyến truyền hình (16 mm) để gửi cho các đài truyền hình nước ngoài, nội dung chủ yếu về chiến tranh Việt Nam, đồng thời chuẩn bị xây dựng ngành truyền hình.

Năm đó, trong một lần tiếp khách quốc tế, Hồ Chí Minh đã hỏi nhà quay phim Phan Thế Hùng: "Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?"[11][12] , bởi nếu chỉ làm phim gửi ra nước ngoài thì chưa đủ, đã là truyền hình thì phải phát sóng để mọi người dân được xem. Chính phủ thậm chí từng có dự định cho Tổng cục Thông tin một khoảnh đất ở gần Chùa Bộc (Hà Nội) để xây dựng đài truyền hình, song việc ấy đã không thực hiện được.[13]

Để chuẩn bị cho việc phát sóng truyền hình thử nghiệm, một đội chuẩn bị làm truyền hình được thành lập với yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền hình tối thiểu gồm trường quay với camera điện tử, máy phát sóng truyền hình, ăng ten phát sóng, máy thu hình.[14] Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã cử một số cán bộ sang Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa học làm truyền hình.[15] Ở trong nước, VOV phát động làm thí nghiệm truyền hình bằng những thiết bị phát thanh cải tiến (chuyển hai máy phát thanh thành một máy phát hình, một máy phát tiếng) và tự lắp ráp hai máy ghi hình bằng ống thu hình (super orthicon) đã qua sử dụng xin của Đài Truyền hình Mạc Tư Khoa (thuộc Liên Xô cũ)[16], được đặt tên là "Ngựa Trời"[14][15][17]. Tên gọi này bắt nguồn từ tên loại súng “ngựa trời”, súng tự chế của quân Giải phóng miền Nam dùng trong chiến đấu. Hai chiếc camera lần lượt mang số hiệu NT1, NT2, có thể cho ra hình ảnh dù có một số tính năng chưa hoàn thiện.

Ngày 7 tháng 9 năm 1970, từ phòng thu M ở số 58 phố Quán Sứ, VOV đã phát sóng tín hiệu truyền hình đầu tiên; sang năm 1971 thì thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình, tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hiện nay. Ngày 30 Tết Tân Hợi (27 tháng 1 năm 1971), VOV phát đi chương trình truyền hình đầu tiên, gọi là "chương trình truyền hình thử nghiệm" phục vụ khán giả Hà Nội. Do chưa có thiết bị lưu trữ nên các chương trình đều được phát sóng trực tiếp.[18] Đến năm 1972, việc phát sóng bị gián đoạn do chiến sự leo thang và Đài Tiếng nói Việt Nam bắt buộc phải sơ tán, trước khi truyền hình phát sóng trở lại năm 1973.

Giai đoạn 1975–1990

Tại miền Nam, sau khi Hiệp định Paris 1973 được thi hành, đài AFVN chấm dứt hoạt động; tất cả máy móc và trang thiết bị được bàn giao cho THVN9. Mạng lưới của THVN9 vì thế đã mở rộng ra toàn Việt Nam Cộng hòa. Đài chấm dứt hoạt động vào đêm ngày 29 tháng 4 năm 1975, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng A đã cùng Đài giải phóng B miền Đông Nam Bộ tiếp quản toàn bộ hệ thống phát thanh, truyền hình của chế độ cũ để lại. Đài Truyền hình Sài Gòn được đổi tên thành Đài truyền hình Giải phóng; phát sóng trở lại vào tối ngày 1 tháng 5 năm 1975.[19][20][21] Cùng lúc đó, Truyền hình Đắc Lộ trở thành cơ sở 2 của Đài Truyền hình Giải phóng, và hoạt động trở lại vào ngày 3 tháng 10 năm 1975. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, Sài Gòn chính thức được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Giải phóng được đổi thành Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV).

Ở miền Bắc, năm 1976, Trung tâm Truyền hình được xây dựng tại Giảng Võ (Hà Nội), từ đây truyền hình bắt đầu được phát sóng hằng ngày cùng với việc xây dựng tháp truyền hình ở cột 1200 tại Tam Đảo[22]; đến năm 1977, Ban biên tập Vô tuyến truyền hình tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam, thành lập Đài Truyền hình Trung ương (THTƯ) và chuyển trụ sở tới đây.

Năm 1976, Đài Truyền hình TP.HCM đã thử nghiệm phát hình màu. Hai năm sau, tháng 9 năm 1978, Đài THTƯ cũng đã bắt đầu thử nghiệm truyền hình màu (hệ SECAM) với thời lượng giới hạn nhằm mục đích thử nghiệm, phục vụ một số lượng hạn chế các máy thu hình màu hiện có của khán giả vào thời điểm đó.[18] Để nâng cao trình độ đội ngũ, Đài THTƯ còn cử một đoàn gồm 8 kỹ sư sang thực tập về truyền hình màu tại Đài truyền hình Cộng hòa Dân chủ Đức trong thời gian 1 năm rưỡi[23]. Ngoài ra, Đài cũng xây dựng Đài Tiếp vận Tam Đảo để phủ sóng toàn miền Bắc và hỗ trợ xây dựng các đài truyền hình địa phương.

Mặc dù Việt Nam dùng chuẩn SECAM của Liên Xô làm chuẩn phát sóng, nhưng hệ thống phát sóng ở hai miền Bắc–Nam hoàn toàn khác nhau: miền Bắc sử dụng chuẩn SECAM/CCIR D, trong khi miền Nam tiếp quản chuẩn phát hình FCC/CCIR M của Mỹ để lại. Vì vậy, để quản lý và thống nhất hệ thống phát thanh truyền hình cả nước, ngày 12 tháng 5 năm 1977, Nhà nước thành lập Ủy ban Phát thanh và Truyền hình (nâng cấp đài TNVN). Trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban có Viện Nghiên cứu phát triển Phát thanh Truyền hình (Viện PTTH) để nghiên cứu giải quyết những tồn tại trong hệ thống PT-TH thống nhất, chủ yếu là ở truyền hình. Viện đặt trụ sở ở miền Nam (tại cơ sở 2 của HTV) để thuận lợi phối hợp với HTV giải quyết việc chuyển hệ để thống nhất hệ thống PT-TH trong cả nước [24].

Với vai trò là đài khu vực Nam Bộ trực thuộc Ủy ban PTTH Việt Nam, HTV đã giúp đỡ cho các đài truyền hình ở các tỉnh phía Nam (cũng là các chi nhánh của Đài trước năm 1975) khôi phục lại cơ sở vật chất hoặc xây dựng thêm.

Dưới sự giúp đỡ của đài THTƯ và HTV, hệ thống các đài truyền hình địa phương dần được hình thành. Năm 1976, Đài Truyền hình Vinh được thiết lập, theo sau là Đài Truyền hình Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở trạm phát sóng Hải Vân (thuộc Đài Truyền hình Huế). Năm 1978, truyền hình Thanh Hóa chính thức phát sóng, cùng với đó, truyền hình Vinh được chuyển giao về UBND địa phương, trở thành "Truyền hình Nghệ Tĩnh" (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An). Đầu năm 1979, chương trình truyền hình mang tên "Truyền hình Hà Nội" bắt đầu phát sóng trên truyền hình quốc gia, ban đầu là chương trình phục vụ cho người dân Thủ đô, phát hàng tháng, sau đó dần tiến tới phát sóng hàng ngày. Đây là tiền thân của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội ngày nay.[25] Năm 1983, truyền hình Hải Phòng và truyền hình Quảng Ninh chính thức được lên sóng.[26] Năm 1984, Cao Bằng, Đắk Lắk, Lâm Đồng phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên. Năm 1985, Đồng Tháp trở thành đài truyền hình thứ hai tại Tây Nam Bộ sau Cần Thơ, đến năm 1991 thì phải bỏ phát vì vấn đề tài chính, và chỉ phát sóng trở lại từ năm 1997; còn Đài PT-TH Lâm Đồng trở thành đài thứ 2 tại miền Nam có hệ thống phát sóng truyền hình màu.[27]

Thời kỳ này, phương tiện thông tin chưa phát triển, hàng ngày hai đài THTƯ và HTV trao đổi băng hình thông qua đường hàng không. Ngoài ra, thông qua đường bộ, Đài THTƯ chuyển băng hình cho Đài truyền hình Hải Phòng và các tỉnh lân cận, cũng như HTV chuyển băng hình cho các đài truyền hình phía Nam. Điều này dẫn đến việc chương trình truyền hình quốc gia bị phát trễ hơn khoảng vài ngày. Tuy phần lớn chương trình bấy giờ đều do THTƯ hoặc HTV sản xuất, các đài địa phương cũng cố gắng xen vào một vài chương trình phục vụ cho người dân địa phương, bổ sung cho các chương trình quốc gia, chủ yếu là Thời sự địa phương.

Nửa đầu thập niên 1980, công cuộc phát hình màu của các đài truyền hình bắt đầu diễn ra. THTƯ chính thức chuyển sang phát hình màu toàn thời gian vào đầu tháng 8 năm 1986[18], thay vì chỉ riêng các chương trình đặc biệt trước đây. Cùng thời điểm đó, HTV bắt đầu phát sóng thêm kênh HTV7 để thuận tiện cho việc chuyển đổi hệ phát sóng. Vào đêm ngày 23 tháng 8 năm 1987, do thiếu tiền cải tạo hệ thống điện đã quá cũ kỹ mà một vụ cháy lớn đã xảy ra, thiêu rụi toàn bộ trung tâm truyền hình của HTV. Tuy nhiên, ngay đêm hôm sau, HTV chuyển qua phát hình màu và chấm dứt hệ đen trắng.

Được sự tài trợ của Chính phủ Liên Xô, tháng 7 năm 1980, Đài Vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1 (cách thị xã Phủ Lý 20 km) cùng tuyến vi ba với trạm chuyển tiếp tại Phú Xuyên (Hà Tây) đã hoàn thành để truyền tín hiệu về Bưu điện Bờ Hồ (Hoàn Kiếm) và Đài Truyền hình Việt Nam ở Giảng Võ. Lần đầu tiên, Trung tâm Truyền hình Giảng Võ đã trực tiếp ghi nhận được hình ảnh màu của chương trình hàng ngày ở Moskva. Công trình đã được đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày ký Hiệp định về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại giữa Việt Nam và Liên Xô và khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1980. Kể từ đó, tin tức thời sự quốc tế của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô hàng ngày đến với Việt Nam, liên lạc viễn thông và một số hình ảnh về Việt Nam đến được với thế giới.[28]

5 năm sau, năm 1985, Liên Xô tiếp tục tặng Việt Nam Đài Vệ tinh Hoa Sen 2, đặt tại đường Mạc Đĩnh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Với Đài Hoa Sen 2, việc liên lạc qua vệ tinh giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được thiết lập, và các đài truyền hình hoàn toàn có khả năng trao đổi chương trình hàng ngày gần như tức thời, tạo điều kiện cho các đài truyền hình địa phương có thể phát chương trình truyền hình quốc gia trong ngày. Sau đó vài năm đã có những thay đổi lớn về tổ chức: Ủy ban PTTH Việt Nam giải thể, VOV và VTV được điều chuyển cho Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch quản lý; tất cả cơ sở phát sóng và truyền dẫn của phát thanh - truyền hình lại được chuyển cho Tổng cục Bưu điện, đặt dưới sự quản lý của Cục Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình mới được thành lập.[28]

Trong giai đoạn này, Việt Nam đang còn là thành viên của OIRT (Organization International of Radio and Television) – Tổ chức phát thanh truyền hình của các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Truyền hình Việt Nam bắt buộc phải sử dụng tiêu chuẩn màu SECAM, hệ chính được sử dụng ở các nước thành viên OIRT, trong khi hầu hết các máy ghi hình, thiết bị xử lý tín hiệu tại trung tâm lại sử dụng hệ PAL hoặc đa hệ, ngoại trừ một số máy ghi hình chuyên dụng của Liên Xô sử dụng hệ SECAM. Lúc này công nghệ truyền hình màu trên thế giới có 3 tiêu chuẩn: NTSC, PAL, SECAM, trong đó nổi trội hơn cả là hệ PAL. Truyền hình Việt Nam khi đó muốn chuyển đổi sang hệ PAL, song lại không được phép. Khi Liên Xô sụp đổ, tổ chức OIRT cũng không còn, các đài truyền hình đã quyết định chuyển sang phát sóng truyền hình màu hệ PAL.[18][23]

Giai đoạn 1990–2007

Ngày 30 tháng 1 năm 1991, Chính phủ ra quyết định số 26/CP giao cho Tổng cục Bưu điện thuê vệ tinh Intesputnik truyền dẫn tín hiệu phát thanh truyền hình. Từ Tết 1991 bắt đầu truyền chính thức bằng cách phủ sóng qua vệ tinh chương trình truyền hình quốc gia để các đài địa phương thu lại và phát sóng[29]. Nhờ đó, các đài truyền hình các tỉnh, thành phố đã có một bước tăng trưởng về số lượng.[18] Năm 1994, lần đầu tiên truyền hình Việt Nam khai phá băng tần UHF qua sự kiện Đài PT-TH Sông Bé (tiền thân của hai đài Bình Dương và Bình Phước) bắt đầu phát sóng kênh 25 UHF vào ngày 2 tháng 9 năm 1994, kéo theo sự hưởng ứng và áp dụng của hàng loạt đài truyền hình khác. Thành công này đã mở ra cho ngành truyền hình trong cả nước một chặng đường mới.[30]

Các kênh VTV2VTV3 của VTV lần lượt được lên sóng trong tình trạng thiếu hụt băng tần; ba kênh VTV đã có lúc phải chia sẻ chung một kênh tần số[31]. Đến ngày 31 tháng 3 năm 1998, kênh VTV3 được phát trên một kênh vệ tinh riêng, theo sau là VTV2 vào năm 2001[32], nhiều đài địa phương thời kỳ này chủ yếu tập trung tiếp sóng VTV2 vì vùng phủ sóng VTV2 lúc ấy là kém nhất trong số 3 kênh chính của VTV. [cần dẫn nguồn]

Giai đoạn này, nhiều tỉnh thành cũ bắt đầu tách tỉnh, do đó xuất hiện thêm nhiều đài truyền hình mới, như Đài Truyền hình Đà Nẵng (sau này là VTV Đà Nẵng, đến năm 1997 thì sáp nhập với đài tiếng nói nhân dân Đà Nẵng và nhiệm vụ thực hiện chương trình phát hình của đài tiếng nói nhân dân Đà Nẵng trở thành DRT Đà Nẵng), Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh, Bình Dương.... Tại miền Trung, Đài Truyền hình Phú Yên được thành lập nhằm giải quyết vùng trắng sóng truyền hình cho người dân, Đài PT-TH Ninh Thuận cũng được tách ra từ Đài PT-TH Thuận Hải (nay là Đài PT-TH Bình Thuận)[33][34].

Về thiết bị truyền hình, thời điểm này các đài truyền hình địa phương thường dùng máy quay Panasonic M (M7/M9/M1000/M3000) dùng băng VHS thường, và M9000 (dùng băng S-VHS) & máy quay Sony (Betacam/DVC) để quay phim, phát sóng chương trình. Về băng lưu trữ, VTV & HTV dùng băng Ampex 2 Inch để lưu trữ phát sóng, các đài còn lại dùng băng Betacam/VHS để phát sóng, thời điểm năm 1999, HTV là đài đầu tiên thực hiện việc chuyển băng phát sóng tự động. Về thiết bị dựng đồ họa qua bàn phi tuyến, một số đài lớn & các đài địa phương lúc ấy đã có bàn phi tuyến, như VTV, HTV (Amiga),... một số đài làm đồ họa khá đơn giản, hoặc nhờ đài/đơn vị khác để làm. Về máy phát, đầu những năm 1990 một số đài địa phương chỉ phát sóng với công suất dưới 1kw, sau này được nâng cấp lên nhờ vốn của nước ngoài/các đài lớn hỗ trợ.[35][36][37][38]

Những năm cuối thập niên 1990, trên thế giới xuất hiện 3 tiêu chuẩn phát sóng truyền hình số: ATSC của Mỹ (1995), DVB-T của châu Âu (1997) và DiBEG của Nhật. Truyền hình Việt Nam phải đứng trước sự lựa chọn giữa ba tiêu chuẩn này. Cuối cùng, qua các cuộc thử nghiệm, Hội đồng Khoa học Đài Truyền hình Việt Nam đã nhất trí trình lãnh đạo đài ký quyết định lựa chọn tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất cho Việt Nam. Trưa ngày 26 tháng 3 năm 2001, ông Hồ Anh Dũng - lúc đó là Tổng Giám đốc Đài THVN - đã chính thức ký quyết định lựa chọn tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T.[39]

Từ đầu tháng 1 năm 2002, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương (BTV) đã bắt đầu phát sóng hệ thống truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T, chuẩn nén MPEG-2) trên 2 kênh 50 và 53 UHF với 16 kênh truyền hình.[40] Ngay sau đó, thì VTC với cũng 16 kênh (Kênh UHF 55, 56) mới xuất hiện và HTV (Kênh UHF 39 với 8 kênh) chỉ mang tính thử nghiệm.

Năm 2003, VTV bắt đầu phát sóng 2 kênh VTV1 và VTV3 theo chuẩn DVB-T. Cũng trong thời điểm này, BTV chính thức phát sóng 24/24h kênh BTV3 trên kỹ thuật số, ở vị trí 50 UHF, tạo tiền đề cho việc các Đài Truyền hình phát sóng 24/24h sau này.

Năm 2004, VCTV bắt đầu khai trương dịch vụ truyền hình số vệ tinh DTH, sau đó cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng trên mạng DTH và Truyền hình Cáp vào năm kế tiếp. Cùng năm đó, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC được thành lập và bắt đầu triển khai truyền hình số trên phạm vi toàn quốc dưới chuẩn DVB-T.

Cũng trong năm 2004, Teletext - giải pháp truyền dẫn thông tin dưới dạng văn bản thông qua kênh truyền hình - bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam thông qua sự hợp tác giữa Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai và Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Vitek). Với công nghệ này, người xem có thể truy cập nhiều thông tin cần thiết như tin thời sự, giá cả,... được cập nhật liên tục trên màn hình mà không phải phụ thuộc vào chương trình phát sóng của đài.[41][42][43][44][45] Công nghệ này sau đó cũng được Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên đưa vào thử nghiệm năm 2009 dưới sự hợp tác với công ty Hanel[46][47], nhưng cho đến nay Teletext tại Việt Nam đã không có sự phát triển và mở rộng nào thêm.

Giai đoạn 2008 đến nay

Năm 2008 là thời điểm truyền hình độ phân giải cao HD bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, với việc truyền hình cáp HTVC lên sóng các kênh HTV7, HTV9, FBNC trên hệ thống theo tiêu chuẩn HD.[16] Sau HTV, SCTVVTC cũng chen chân vào xu hướng truyền hình HD khi ra mắt dịch vụ này cùng với truyền hình vệ tinh.

Tháng 9 năm 2008, Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) chính thức phát sóng tại khu vực miền Bắc và miền Trung truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Cùng năm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2019" (Đề án Số hóa truyền hình) nhằm chuyển đổi tín hiệu phát sóng truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất DVB-T2, với mục tiêu đến năm 2019,100% hộ dân tại khu vực miền Bắc và miền Trung ở Việt Nam có thể xem được truyền hình số.

Tháng 6 năm 2009, Công Ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV), liên doanh giữa Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình cáp của VTV và Công ty Canal Overseas chính thức được thành lập. Đầu năm 2010, công ty này chính thức ra mắt thương hiệu Truyền hình số vệ tinh K+.

Tháng 11 năm 2011, Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) chính thức phát sóng toàn quốc truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2. Cùng năm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" (Đề án Số hóa truyền hình) nhằm chuyển đổi tín hiệu phát sóng truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất DVB-T2, với mục tiêu đến năm 2020 100% hộ dân ở Việt Nam có thể xem được truyền hình số.

Năm 2013, VTV phát sóng thử nghiệm truyền hình số tại một số thành phố lớn theo tiêu chuẩn DVB-T2 và phát sóng chính thức từ năm 2014.

Đề án Số hóa truyền hình của Chính phủ bắt đầu được triển khai từ năm 2015 bằng việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình analog tại Thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Các địa phương khác thực hiện ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình analog trong các năm tiếp theo. Đến 0 giờ ngày 28 tháng 12 năm 2020, 15 địa phương cuối cùng trong lộ trình số hoá truyền hình mặt đất đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự. Việt Nam chính thức hoàn thành Số hóa truyền hình mặt đất.[48]

Từ tháng 9 năm 2016, SCTV đã tiến hành thử nghiệm truyền hình độ nét siêu cao 4K trên hệ thống truyền hình cáp đang có, lần đầu tiên tại Việt Nam.[49][50] 1 năm sau đó, VTC cũng bắt đầu triển khai phát sóng miễn phí các chương trình được sản xuất theo tiêu chuẩn 4K trên hệ thống DVB-T2 tại một số tỉnh và thành phố.[51] Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt kênh truyền hình đồng loạt công bố phát sóng HD, thậm chí là Full HD 1080i, như Vĩnh Long, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...[52][53][54][55][56][57][58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Truyền hình ở Việt Nam https://vtv.vn/gioi-thieu/lich-su-phat-trien-20141... https://vtv.vn/truyen-hinh/ky-thuat-truyen-hinh-vi... https://web.archive.org/web/20031006174505/http://... http://home.earthlink.net/~bfwillia/television.htm... https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-50-nam-ngay-vtv... https://vtv.vn/truyen-hinh/vtv-giac-mo-lang-man-da... https://tienphong.vn/50-nam-vtv-tu-thu-cong-toi-4-... http://hoinhabaovietnam.vn/VTV-va-vai-net-ve-lich-... https://vtv.vn/45-nam-vtv/nhung-hinh-anh-doc-ve-he... http://ctvcamau.vn/upload/Giao_trinh_bao_chi_truye...